Ủy ban nhân dân

Trước đây, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp ở địa phương đã lần lượt được hướng dẫn tại các văn bản như: Thông tư liên tịch số 12/TTLB-BTP-BTCCBCP ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (hết hiệu lực ngày 23/6/2005), Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 5/5/2005 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ (hết hiệu lực ngày 12/6/2009).

Để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về tư pháp, Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư Liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 thay thế các văn bản trên.

Tại Điều 7, Điều 8 Thông tư Liên tịch Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009, công tác tư pháp ở Ủy ban nhân dân cấp xã và chức năng nhiệm vụ công chức tư pháp -hộ tịch cấp xã được quy định như sau:

Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, quyết định, chỉ thị về công tác tư pháp ở cấp xã; theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

2. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan Tư pháp cấp trên.

3. Tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra các quyết định, chỉ thị do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành; rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành; chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

4. Theo dõi, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện, đề xuất biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã với Phòng Tư pháp cấp huyện.

5. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật ở cấp xã.

6. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ viên Tổ hoà giải trên địa bàn theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên.

7. Thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp; lưu trữ sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.

8. Thực hiện một số việc về quốc tịch thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực các việc khác theo quy định của pháp luật.

10. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

11. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác tư pháp được giao với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tư pháp.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

Công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên.